Gọi là hấp dẫn, bởi Bố già có những tình tiết gay cấn đến nghẹt thở, những giằng xé tâm lý kịch liệt. Một ông trùm Corleone bị ám hại tan xương nát thịt, tưởng như gần đất xa trời, đã phải đứng dậy ngay trong cơn nguy kịch, dàn xếp thế trận, chuyển bại thành thắng, làm kẻ thù khiếp vía bởi sức mạnh sinh tồn của mình. ông Trùm không sợ cái chết.Đơn giản, ngay từ năm 12 tuổi đã có kẻ muốn giết ông rồi.Một cậu ấm Micheal Corleone bị buộc phải “giết người” mà không có sự lựa chọn nào khác, buộc phải chứng kiến những người yêu thương nhất của mình, bị hãm hại ngay trước mắt mình, buộc phải bước chân vào “giới giang hồ” để bảo vệ những gì còn lại của gia đình mình.
Gọi là đời, bởi tác giả là nam giới mà lại diễn tả tâm lý phụ nữ như là thấu hiểu họ lắm. Tuy thế, các nhân vật nữ trong Bố già cũng mang một khí chất khác, “nữ nhi hào kiệt”, là người mẹ đau đớn tột cùng khi cảm nhận cái chết tàn khốc của đứa con trai mình, vẫn cắn răng chịu đựng để giữ được vị thế gia đình trước kẻ thù. Là một Kay, xinh đẹp, trí thức, đau đớn và dằn vặt khi nhìn thấy người đàn ông của mình từng ngày từng giờ, bước từng bước một vào cái thế giới đen ngầm dữ dội, thậm chí nghiễm nhiên ngồi đĩnh đạc vào cái ghế tối thượng trong vương quốc ấy.
Trong tiểu thuyết của Mario Puzo, “Bố Già” là Ông trùm Don Vito Corleone, người gốc Sicily, một trong những thủ lĩnh tối cao của giới Mafia Mỹ. Kẻ thù căm ghét ông, khiếp sợ ông, khinh bỉ ông; ông như con rắn hổ mang nguy hiểm có đôi mắt chứa đựng một uy lực tối thượng nhìn thấy hết, biết hết, làm được hết. Nhưng đối với bạn bè, thân quyến, “Bố Già” gần như là một đấng toàn năng có thể cứu họ thoát khỏi những thế kẹt và nỗi oan ức mà ngay cả luật pháp cũng chẳng gỡ được. Ông đúng là “Mafia” theo cái nghĩa nguyên thủy của nó thuở ban đầu hình thành, nơi ẩn náu.
Sự toàn năng tối thượng của “Bố Già” một phần do cái dũng trí khác thường của ông đem lại, phần khác là do những đồng đô-la trong tài sản đồ sộ của ông tạo ra.
Ông Trùm là một biểu hiện về sức mạnh của lớp người cần lao không lối thoát, khát khao quyền lực được cai trị, được phục thù, cầu mong sự no ấm đến giàu sang phú quý mà thượng đế có thể ban cho con người. Tiếc thay,những việc này nhà cầm quyền hiện hữu không thể ban phát cho họ nên họ buộc phải tự làm lấy cho bản thân. Một cuộc sống phức tạp.Cái họ cần là danh tiếng,quyền lực,sự sinh tồn trong cái xã hội khốn nạn này và những đồng dollar được tạo ra từ bất cứ việc gì, miễn đó không phải là kết quả của ma túy và đĩ điếm.
Dù là những con người bị xem là độc ác, cặn bã của xã hội nhưng điều là bậc làm cha làm mẹ, Don Corleone không hề muốn con cháu sau này của ông sẽ tồn tại trong một thế giới thứ hai,dù rằng đế chế của Corleone đã có một thời cực kỳ hưng thịnh. Ông luôn mong muốn con cháu sau này sẽ bước vào một thế giới khác, an toàn, sạch sẽ và luôn phơi bày dưới ánh sáng.Ông không muốn chúng nó lại phải chui rúc vào những khu phố ổ chuột, phải ra tay hạ sát một người nào đó khi mà họ làm tổn thương và cản trợ cuộc sống của chúng, ông không muốn chúng phải tha phương cầu thực đến một vùng đất xa lạ nào đó chỉ vì ba mẹ chúng đã bị chết dưới tay những kẻ thù mà ta hay gọi là Mafia, ông không hề mong lũ con của mình phải vướng vào cái thế giới đen tối mà chỉ riêng của những thành phần phức tạp. Ông muốn nhìn thấy con cháu của mình hòa đồng vào cái gia đình chung của nhân lọai mà ông không hề có. Điều đó nói lên rằng : Don Vito hay Mario Puzo muốn đúc kết một định luật chung như hết thảy sông hồ đều phải xuôi về biển cả.Nhưng không…dù ông có là ông Trùm quyền uy cả một phần ba thế giới thì ông cũng không thể giành giựt mạng sống người bạn thân từ tấm bé của mình lại từ tay tử thần, ông cũng không thể biết được rằng mọi thứ sẽ đổ bể dù ông có cô công sắp xếp chúng đến đâu đi chăng nữa, bởi vì thế giới này nào có yên bình mãi cho ta hưởng lạc !…
Gọi là kinh điển, bởi vì tác phẩm quá hay,quá thật, dù lần đầu tiên tôi đọc cuốn sách này là vào năm 14 tuổi.Tôi thấy bối cảnh mình sống vào những năm 2000 nhưng những việc như thế này vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Bởi thời nào cũng vậy, đằng sau một nhân vật lớn luôn là một nhân vật lớn hơn, đằng sau một mảng tối, còn có một mảng tối khác, đằng sau một tội ác, rốt cuộc vẫn là con người. Tôi luôn thích những tác phẩm mà con người luôn ở vị trí trung tâm, những tác phẩm mà người viết chia sẻ những trải nghiệm sống đau đớn, vui buồn và giằng xé của họ. Bố Già cũng chính là một tác phẩm đầy kinh nghiệm sống như thế.
Với tôi cậu út Michael Corleone là một hình ảnh thật sự ấn tượng dù anh xuất hiện không nhiều lắm trong tác phẩm, sự xuất hiện của Michael luôn tiềm ẩn một điềm chết chóc thậm chí còn nguy hiểm hơn Bố Già. Không nóng nảy ; hấp tấp như ông anh cả Santino (Sonny), cũng không hiền lành đến mức bạc nhược như người anh kế Fredo , cậu út Michael dù bề ngoài trầm tĩnh nhưng bên trong ẩn chứa những suy nghĩ khôn ngoan và những kế họach không lường trước được, một đức tính giống hệt ông Trùm.Một quyển sách chứa đựng nhiều thông tin và những giả định mà người đọc không thể bỏ qua. Sự lịch thiệp cần phải có, những giằng xé nội tâm, những mất mát, tang thương và tàn nhẫn trong một trật tự xã hội mà “Luật im lặng” là điều tối thượng. Một tác phẩm kinh điển, đọc và cảm ơn Mario Puzo. Bố Già vẫn sẽ tiếp tục chịu sự thử thách của thời gian. Nhưng tôi tin rằng, dù sau này có thế nào đi chăng nữa, tác phẩm lừng danh này vẫn mãi là cuốn tiểu thuyết mafia hay nhất mà tôi từng được biết.
Cuộc sống khổ đau đã đúc nên cái cá tính lạnh lùng cần có trong xã hội này, dù thời nào cũng thế.Hãy nhìn lại quá khứ bi thương của đồng loại để hiểu rằng : Để tồn tại được trong cái thế giới hỗn lọan này là cả một vấn đề…