Thứ Ba, 19 tháng 5, 2009

Hữu danh vô thực


Về mặt kỹ thuật, tên miền của website Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam - Trung Quốc (vietnamchina.gov.vn) là do phía Việt Nam toàn quyền kiểm soát, còn nơi lưu trữ nội dung website (server) thì lại đặt ở Trung Quốc và dĩ nhiên là do Trung Quốc toàn quyền kiểm soát. "Toàn quyền kiểm soát" ở đây được hiểu theo nghĩa là tôi có thể làm bất cứ điều gì với cái tôi có toàn quyền kiểm soát, một khi tôi muốn. Nhưng đó là về mặt kỹ thuật. Thao tác kỹ thuật sẽ bị giới hạn bởi những thoả thuận giữa 2 bên khi thành lập website. Điểm quan trọng trong vụ việc này cần được làm rõ trước khi có thể đi đến một kết luận nào đó, đấy là: 2 bên đã thoả thuận điều gì về quyền biên tập website? Trong thoả thuận về quyền biên tập website thì điểm mấu chốt là bên nào có quyền cao nhất trong việc biên tập nội dung website? Giả sử thoả thuận nói rằng phía Việt Nam có quyền cao nhất trong việc biên tập nội dung website, thì điều đó có nghĩa là khi Trung Quốc gửi lên website một tin có cụm từ "Tây Sa", phía Việt Nam có quyền sửa lại thành "Hoàng Sa" nếu muốn, và kết quả biên tập từ phía Việt Nam phải là kết quả hiển thị sau cùng trên website. Nếu Trung Quốc tiếp tục sửa lại nội dung tin thì Việt Nam có quyền đơn phương dừng việc hợp tác. Với thoả thuận kiểu trên, việc server lưu trữ nội dung website đặt ở Trung Quốc hay Việt Nam là không quan trọng. Điều này chỉ trở nên quan trọng khi giữa 2 bên không có những điều khoản rõ ràng minh bạch về quyền biên tập website, mà khi đó bên phụ trách việc đặt server sẽ có ưu thế hoàn toàn trong việc kiểm soát nội dung website và bên sở hữu tên miền chỉ là hữu danh vô thực mà thôi. Theo đó, có nhiều khả năng là phía Việt Nam dù được cấp quyền đưa tin lên website, nhưng không được cấp quyền biên tập lại những nội dung mà phía Trung Quốc đưa lên. Liệu có hay không những điều khoản rõ ràng như trên trong thoả thuận giữa 2 bên? Liệu đại diện phía Việt Nam (Bộ Thương mại, nay là Bộ Công thương) có ngu ngơ đến mức quên mất điều khoản về quyền biên tập cao nhất? Liệu họ có tắc trách đến mức khi biết rõ tầm quan trọng của một điều khoản như vậy nhưng vẫn bỏ qua, hoặc "nhường" quyền ấy cho phía Trung Quốc? Liệu đó là sự tắc trách vẫn thường thấy ở các cơ quan công quyền Việt Nam không chỉ trong việc quản lý nội dung website, hay là một hành vi có chủ định? Mới đây, ông Trần Hữu Linh, phó cục trưởng cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, bộ Công thương xác nhận rằng “Theo thỏa thuận phía Trung Quốc lo phần tiếng Việt. Phía Việt Nam lo phần nội dung bằng tiếng Trung”; cho nên Bộ sẽ phải “gửi công hàm sang bộ Thương mại Trung Quốc đề nghị bỏ những nội dung không dành cho kinh tế và thương mại”. Như vậy, rõ ràng phía Việt Nam không có quyền can thiệp trực tiếp vào nội dung website. Thậm chí có lẽ phía Việt Nam cũng không có luôn quyền gửi tin lên một website mà trên danh nghĩa là thuộc Chính phủ Việt Nam. Thật không thể tin được! Thật đúng là chuyện khó tin và như đùa. Không hiểu sao có những chuyện các bác nhà ta làm chặt chẽ quá, còn có những chuyện thì cứ... như trẻ thơ, không biết "vô tình" hay "hữu ý". Có những việc tuy nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa lớn và ngược lại.
Đúng là có tiếng mà không có miếng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét