Thứ Ba, 19 tháng 5, 2009

Làm tỷ phú sướng không Vinh ?


Công Vinh với ngôi nhà mới T&T Hà Nội giờ thật ngột ngạt, đặc biệt khi Vinh được giao chiếc băng đội trưởng và đội bóng cứ rơi tự do đến hết lượt đi thì ở đáy bảng.


Trận thua Hải Phòng trên sân Hàng Đẫy, Vinh ngồi thật lâu và thở dài ngao ngán.


Về T&T Hà Nội, Vinh trở thành tỷ phú với nhà, xe, lương vài chục triệu đồng cùng khoản lót tay những tám tỷ đồng.


Về đấy, Vinh được rất nhiều về vật chất nhưng mất rất nhiều trong đời người cầu thủ.


Ở Sông Lam Nghệ An, Vinh không xông xênh tiền bạc nhưng Vinh có những người làm bóng, có những đồng đội ra sân hết lòng cho màu cờ sắc áo và vì đội bóng, trong đó có cả vì Vinh.


Ở T&T Hà Nội, Vinh mang chiếc băng đội trưởng trên tay nhưng hết sức lạc lõng trong những đường bóng đơn độc.


Ở đấy, Vinh tìm mãi không ra người làm bóng cho mình và có lúc không tìm ra những đồng đội thật của mình.


Chiếc băng đội trưởng quá nặng với Vinh. Và không chỉ nặng trách nhiệm, Vinh còn nặng cả cái đầu lẫn đôi chân.


Bây giờ nếu cho Vinh được quyết lại, chưa chắc Vinh đã chịu về với bầu Hiển dù cái gật đầu của Vinh trị giá gần chục tỷ đồng.


Đời cầu thủ hạnh phúc nhất là được thể hiện mình bên một tập thể ăn ý và hết lòng cho nhau, vì nhau.


Vinh về T&T Hà Nội trở thành tỷ phú nhưng lại không có niềm hạnh phúc của người cầu thủ được chia sẻ với một tập thể của mình. Vinh đang sống khó khăn với đời cầu thủ phải chống chọi với sự ganh tỵ và đố kỵ nơi một tập thể có 11 người ra sân nhưng không phải là một đội bóng.
Có những ngày như thế này là do Vinh, do những người đồng đội hay là cái giá phải trả để được phất lên với cái danh hiệu cầu thủ đắt giá nhất làng bóng đá VN ? Do đâu...?

Hữu danh vô thực


Về mặt kỹ thuật, tên miền của website Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam - Trung Quốc (vietnamchina.gov.vn) là do phía Việt Nam toàn quyền kiểm soát, còn nơi lưu trữ nội dung website (server) thì lại đặt ở Trung Quốc và dĩ nhiên là do Trung Quốc toàn quyền kiểm soát. "Toàn quyền kiểm soát" ở đây được hiểu theo nghĩa là tôi có thể làm bất cứ điều gì với cái tôi có toàn quyền kiểm soát, một khi tôi muốn. Nhưng đó là về mặt kỹ thuật. Thao tác kỹ thuật sẽ bị giới hạn bởi những thoả thuận giữa 2 bên khi thành lập website. Điểm quan trọng trong vụ việc này cần được làm rõ trước khi có thể đi đến một kết luận nào đó, đấy là: 2 bên đã thoả thuận điều gì về quyền biên tập website? Trong thoả thuận về quyền biên tập website thì điểm mấu chốt là bên nào có quyền cao nhất trong việc biên tập nội dung website? Giả sử thoả thuận nói rằng phía Việt Nam có quyền cao nhất trong việc biên tập nội dung website, thì điều đó có nghĩa là khi Trung Quốc gửi lên website một tin có cụm từ "Tây Sa", phía Việt Nam có quyền sửa lại thành "Hoàng Sa" nếu muốn, và kết quả biên tập từ phía Việt Nam phải là kết quả hiển thị sau cùng trên website. Nếu Trung Quốc tiếp tục sửa lại nội dung tin thì Việt Nam có quyền đơn phương dừng việc hợp tác. Với thoả thuận kiểu trên, việc server lưu trữ nội dung website đặt ở Trung Quốc hay Việt Nam là không quan trọng. Điều này chỉ trở nên quan trọng khi giữa 2 bên không có những điều khoản rõ ràng minh bạch về quyền biên tập website, mà khi đó bên phụ trách việc đặt server sẽ có ưu thế hoàn toàn trong việc kiểm soát nội dung website và bên sở hữu tên miền chỉ là hữu danh vô thực mà thôi. Theo đó, có nhiều khả năng là phía Việt Nam dù được cấp quyền đưa tin lên website, nhưng không được cấp quyền biên tập lại những nội dung mà phía Trung Quốc đưa lên. Liệu có hay không những điều khoản rõ ràng như trên trong thoả thuận giữa 2 bên? Liệu đại diện phía Việt Nam (Bộ Thương mại, nay là Bộ Công thương) có ngu ngơ đến mức quên mất điều khoản về quyền biên tập cao nhất? Liệu họ có tắc trách đến mức khi biết rõ tầm quan trọng của một điều khoản như vậy nhưng vẫn bỏ qua, hoặc "nhường" quyền ấy cho phía Trung Quốc? Liệu đó là sự tắc trách vẫn thường thấy ở các cơ quan công quyền Việt Nam không chỉ trong việc quản lý nội dung website, hay là một hành vi có chủ định? Mới đây, ông Trần Hữu Linh, phó cục trưởng cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin, bộ Công thương xác nhận rằng “Theo thỏa thuận phía Trung Quốc lo phần tiếng Việt. Phía Việt Nam lo phần nội dung bằng tiếng Trung”; cho nên Bộ sẽ phải “gửi công hàm sang bộ Thương mại Trung Quốc đề nghị bỏ những nội dung không dành cho kinh tế và thương mại”. Như vậy, rõ ràng phía Việt Nam không có quyền can thiệp trực tiếp vào nội dung website. Thậm chí có lẽ phía Việt Nam cũng không có luôn quyền gửi tin lên một website mà trên danh nghĩa là thuộc Chính phủ Việt Nam. Thật không thể tin được! Thật đúng là chuyện khó tin và như đùa. Không hiểu sao có những chuyện các bác nhà ta làm chặt chẽ quá, còn có những chuyện thì cứ... như trẻ thơ, không biết "vô tình" hay "hữu ý". Có những việc tuy nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa lớn và ngược lại.
Đúng là có tiếng mà không có miếng.

Báo láo

Đối với tôi, muốn nghiêm túc thì đọc báo tờ, còn cần giải trí thì đọc báo mạng.Mà thời buổn lộn xộn, trắng đen không phân biệt rõ ràng này thì dối trá được khoát tấm áo sặc sỡ,còn sự thật thì bị che lấp không thương tiếc.
Hôm qua sau khi đọc qua báo tờ, mình lò dò lên mạng rồi mò vào vài trang báo điện tử cũng có tiếng của cư dân in-tẹc-lét xem có tin tức gì đáng chú ý không.Ừ, thì tất nhiên là có chứ.Đó là những tin giật gân giật cốt lắm lắm. Những tin đó đại lọai như thế này : “hiếp dâm trẻ em”, “tự tử vì tình”, “chuột nằm trong bánh”, “9x có bầu vẫn bán dâm”,”giết bạn trai vì bị quay cảnh ái ân”, “cưỡng bức cô bé 12 tuổi trong nhà bếp”…vâng vâng và..vâng vâng… Có lẽ xu hướng viết báo mạng hiện nay là tập trung khai thác tối đa những vấn đề thuộc về bề nổi,có nghĩa là sẽ nổi như lục bình gặp đèn pha trong một thời gian (ngắn, dài khoan bàn đến) để rồi sau đó sẽ chìm nghỉm như chưa bao giờ hiện hữu trong cõi đời ám muội này .
Năm 2008 đánh dấu biết bao nhiêu sự kiện “để đời” như suy thoái kinh tế tòan cầu, động đất,bão táp, lũ lụt, tham nhũng,chiến tranh,..đó là sự thật của thế giới mà chúng ta đang sinh sống, và không ai có thể trốn tránh sự thật chẳng mấy tốt đẹp đó cả.Những việc lớn sao không nói mà lại đi rêu rao những việc chẳng có nghĩa lý gì khi mà con người đã và đang chạy theo một nhịp sống không gì có thể chậm lại. Có gì để nói không khi một con gián nằm trong một tô phở ? Tôi dám cược với tất cả mọi người rằng, tôi có thể kêu một tô phở ra và sau khi người phục vụ quay lưng đi thì lập tức tôi sẽ lấy từ túi áo ra một con gián rồi quăng vào tô phở nóng sốt, cứ thế mà hô hoán lên là chủ quán buôn bán mất vệ sinh, ai thấy việc tôi làm mà chống chế, tất cả chỉ đổ lên đầu người tạo ra món ăn.Hòan tòan có thể thế nếu tôi quá rảnh không có việc gì làm.Ai làm gì được tôi nào ? Vấn đề đáng nói ở chỗ rằng sự thật của mình có phải là sự thật của báo chí không ?.Chà chà, sẽ càng thú vị hơn nếu như một ngày nào đó chẳng ai quan tâm xem tình hình khủng hỏang tín dụng ra sao, những con người khốn khổ ở vùng đất Zimbabwe đang đối mặt với dịch tả và nghèo đói như thế nào,các cuộc xung đột vũ trang giữa các phe phái ly khai và quân chính phủ ở CHDC Congo đã làm hại bao nhiêu con người vô tội, đường sa VN bao giờ được giải thoát khỏi lô cốt, con người đang phải chống chọi với đói khát như thế nào khi lũ lụt đã quét sạch nhà cửa,ruộng vườn ở dải đất miền trung quanh năm làm bạn với lũ bão…Thay vào đó giới truyền thông,báo chí sẽ thi nhau đăng tải những tin tức “ hiếp dâm”,”cưỡng dâm”, “8x thế này,9X thế nọ”, “chụp ảnh show ngực” để làm thỏa mãn những cặp mắt cú vọ và đôi tai hóng chuyện của những con người khoái việc tào lao.Có người nghĩ rằng báo tờ không thể có đầy đủ tin tức như báo mạng được.Lúc đầu tôi còn ngờ ngợ, nhưng đến tận bây giờ tôi đã tin chắc rồi.Tôi tin rằng báo tờ không đủ đất đai để đăng tải những tin tức không – cần – thiết như thế.
Chưa bao giờ tôi thấy một số con người trong chúng ta lại khoái những chuyện nhảm nhí như thế.Việc cần quan tâm lạikhông đếm xỉa, việc nhỏ như con kiến lại xé thành ngàn mảnh tung hê lên rằng “ vú tôi bự hơn”, “bàgià 70t vẫn bị hiếp dâm…..” hay đại loại như những câu chuyện có yếu tố tình dục là ok.
Hừ…Nhân dân cần ấn phẩm hấp dẫn, bất chấp ấn phẩm bẩn, ấn phẩn đần, ấn phẩm cù lần.Phải làm sao để nhận thức rằng đâu là nghiêm túc và vớ vẩn,đâu là chân thật và láo lếu.Đấy khó có thể gọi là báo được, báo láo thì có ấy.

Xấu hổ



Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba thay mặt chính phủ và người dân Nhật nói tại Hội nghị các nhà tài trợ cho VN tổ chức tại Hà Nội rằng: Nhật Bản sẽ tạm dừng cấp các khoản viện trợ ODA cho tới khi nào Việt Nam có biện pháp hữu hiệu để tận diệt nạn tham nhũng trong các chương trình công cộng. Nhật cũng sẻ đóng bằng số tiền tài trợ khoảng 700 triệu USD.
Đến nay, Nhật là nước cấp ODA nhiều nhất cho VN trong các nước mà chính phủ này đang viện trợ. Số tiền viện trợ ODA trong năm 2007 là 1,1 tỷ đô la.
Nguyên nhân là do Công ty Tư vấn Thái Bình Dương (PCI) của Nhật đã hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sỹ số tiền 820,000 đô la để thắng thầu một số dự án sử dụng ODA tại thành phố Hồ Chí Minh..
Đại sứ Sakaba nói: "Cho tới khi ủy ban điều tra chung này đưa ra được các biện pháp hữu hiệu và đúng đắn để chống tham nhũng thì rất khó có thể giành lại ủng hộ của công chúng Nhật Bản cho việc tiếp tục hỗ trợ VN và chúng tôi không thể cam kết thêm các khoản tài trợ mới". Báo chí Nhật đã phanh phui vụ hối lộ của PCI hơn nữa năm nay, và tòa án Tokyo đã xét xử bốn cựu quan chức của công ty này về tội đưa hối lộ, và gian dối trong việc đấu thầu tại hải ngoại; điều mà luật Nhật cấm để tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp làm ăn ngoài nước Nhật..
Trong khi đó,phí VN vẫn còn tiếp tục điều tra??? Tuần trước, người đại diện Ban chỉ đạo TW về Phòng chống Tham nhũng còn nói rằng "hiện vẫn chưa có gì cụ thể" trong vụ PCI.
Tại phiên đầu tiên của Hội nghị các nhà tài trợ, Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng nói: " Chính phủ Việt Nam sẽ làm tất cả những gì có thể để tăng tính hiệu quả của các dự án phát triển". ODA hiểu theo cách dân dã nó là tiền giúp đỡ, tiền hỗ trợ bằng tấm lòng của nước lớn, giàu, mạnh dành cho nước nghèo, nhược tiểu. Thế mà, không người dân nào không biết nó đã bị không ít các quan chức tham nhũng. Trước đây là vụ PMU 18, họ lấy tiền từ sự ban ơn đó đi đánh bạc. Và, lần này, ông Sỹ nhận hối lộ 820,000 đô la, số tiền mà dư luận cho rằng ông này không nuốt trọn một mình. Vậy, khác nào họ "ăn cắp" khoản tiền mà người ta có tấm lòng tốt để giúp dân nước mình xây dựng đường sá, cầu, trường học... vì người ta thấy VN còn nghèo quá, cần phải giúp đỡ với tư cách công dân có lương tri trên thế giới (Hẳn nhiên, ODA là sự có qua có lại nhưng không biết...đã toại lòng chưa ?)
Hình ảnh của một đất nước được ca ngợi là quốc gia tiếp nhận ODA hiệu quả nhất đã bị xâm phạm nghiêm trọng, mà chẳng ai làm gì chúng ta,chính chúng ta đã tự tát vào mặt mình, chúng ta đã và đang cầm dao đâm nát hình ảnh đẹp của quốc gia.Điều đáng chán là là sự phản ứng của các cơ quan thực thi pháp luật VN đối với sự việc này quá chậm chạp.
Kể từ tháng 11 năm 1993 khi VN tái tiếp nhận viện trợ của cộng đồng quốc tế nói chung và từ năm 1981 Nhật Bản nối lại viện trợ cho VN nói riêng, thì cho đến nay khi VN đã gia nhập WTO bộ mặt cơ sở hạ tầng của đất nước này như cầu Bãi Cháy, sân bay Tân Sơn Nhất,đường cao tốc đông tây Sài Gòn, đuờng hầm Hải Vân, nhà máy nhiệt điện Phả Lại, nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, dự án cải thiện môi trường nước ở Hà Nội và tp.HCM.Nói cách khác, tất cả những công trình và dự án quy mô lớn này đều có bàn tay của người Nhật nhúng vào với số vốn ODA không hể nhỏ.Nếu tôi là Quốc hội Nhật Bản thì tôi cũng tạm ngừng các dự án ODA cho một đất nước không quản được người của mình.
Chưa có dân tộc nào như VN, tiền người ta đóng góp để làm từ thiện khi đồng bào bị bão lụt bị "xén" bớt, bị trừ vào các khỏan chi tiêu.
Những vị quan chức đáng mến đó sao nỡ lòng nào lại ăn chặn của người dân ? Tôi tin chắc rằng chính các ông ăn chặn này đã từng mạnh miệng hô hào vận động cán bộ, nhân viên và nhân dân xã nhà trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các ông có hành vi quay lưng ngoảnh mặt với dân vì các ông cứ nhìn chăm chăm vào cái ghế mình ngồi, vào quyền hạn mình được giao mà quên nhìn vào nỗi khổ của người dân hứng chịu thiên tai. Nếu không thấu hiểu nỗi khổ của dân thì dứt khoát không thể đảm nhận vai trò cán bộ đại diện cho dân được!
Sự giả dối, "trộm cắp" đang tràn lan, báo động mỗi ngày... không chỉ xảy ra ở ngoài đường mà tinh vi trong cả những con người đang điều hành đất nước.
Cho nên tôi xin nói rằng : Quyết tâm phòng chống tham nhũng không phải là cứ hô hào, kêu gọi ầm ầm,, treo băng rôn nhan nhản trên đường phố,phát biểu hùng hồn trên bục cao rồi cuối cùng mọi việc đâu lại vào đấy : Nước vẫn nghèo, dân thì đói, tiền thì phải vay, nhưng nhân cách thì quẳng vào sọt rác.
Cái tát của người Nhật vào mặt các quan chức VN, vào mặt những ai có lòng tự trọng dân tộc. Nhật Bản là một đất nước có quan hệ rất tốt với đất nước ta, nhưng tiếc thay, trong xã hội VN này còn tồn tại không ít kẻ được gọi là quan chức nhưng vẫn không biết đánh vần hai chữ “nhân cách”.
Mỗi người trong chúng ta đều phải có lòng tự trọng của bản thân mình.Quốc dân mà mất đi nhân cách thì quốc gia dần sẽ mất đi quốc thể.

The Devil Wears Prada



Dù bạn là người không sành điệu cũng chẳng sao cả, vì cuốn tiểu thuyết này sẽ lập tức lôi bạn vào thế giới của hàng hiệu, chân dài, nam thanh nữ tú và tiền bạc được xài như nước lã.
Nhẹ nhõm, vui tươi, hài hước, với giọng điệu châm biếm đáng kinh ngạc, Quỷ cái vận đồ Prada từng bước dẫn dắt độc giả bước vào chốn hậu trường lắm chuyện khóc cười của giới sành điệu, khám phá những bí mật không tưởng được giấu kín trong lớp lớp cao ốc kiêu kỳ của Manhattan tráng lệ. Có lẽ, với Quỷ cái vận đồ Prada, lần đầu tiên lớp công chúng bình dân được đến gần hơn với cái nhìn đa diện chân thực hơn về thế giới của sắc đẹp và truyền thông. Đó có lẽ cũng là công thức hấp dẫn để giải trí cho hàng triệu thanh niên đô thị mà Lauren Weisberger đã tìm ra sau quãng thời gian làm việc cho Vogue Mỹ cùng quý bà Anna Wintour.
Đúng là thật lâu rồi mới bắt gặp một cuốn sách về thế giới hàng hiệu khiến bạn dù khó tính đến mấy cũng không khỏi lóa mắt, chóng mặt. Nếu đã quá quen với những câu chuyện hậu trường có vẻ hơi nhếch nhác bận bịu, bạn sẽ choáng ngợp trước sự hào nhoáng và đắt đỏ của tòa soạn Runway. Nơi đây, bà chủ bút xuất hiện như một nhân vật thượng thặng khiến các nhân viên đều nhất mực tôn sùng tới mức khiếp sợ cùng hàng loạt nhân vật khác xun xoe bợ đỡ trước mỗi dịp được phục vụ.
Còn với ai có tính căn cơ, chắc hẳn sẽ hoảng hồn khi nghe thấy giá giặt lần đầu tiên với một món đồ của nhân vật lừng danh đó là 670 USD; hoặc là những mệnh lệnh tưởng như quá đỗi nhẹ nhàng: mua cuốn sách Harry Potter trước ngày phát hành và lập tức chuyển tới phi cơ riêng để cho 2 đứa con có sách đọc ngay khi mới thức dậy, đón riêng chú mèo về nhà trên chiếc Porsche mui trần 84.000 USD.
Những người ở Runway gặp nhau với chiều cao cực đỉnh và thân hình cực mốt, song luôn phải chú ý lời chào “Chị không hề béo”. Chuyện bộc lộ tình cảm là điều gì đó tầm thường, bởi tất cả rập khuôn góc nhìn vào chiếc áo, cái quần, đôi giày, túi xách... có đẹp nhất địa cầu hay không. Giá tiền, hàng hiệu đã trở thành thước đo giá trị của con người và tất cả đều bị cuốn ào theo nhịp sống thời trang màu mè ấy.
Và cái giá phải trả cũng chẳng nhẹ nhàng gì cho các cô gái đang hiến mình cho Runway và bà chủ Miranda Priestly. Người đàn bà tài năng đảm bảo cho những thành công đáng kinh ngạc của Runway, nhân vật siêu thành công trong lĩnh vực thời trang - trở thành áp lực cho bất cứ nữ trợ lý nào. Chỉ đơn giản, bởi bản chất bà là người không hài lòng, có thói quen hành hạ và hạ nhục người khác.
Những cô gái trẻ đẹp như Andrea, Emily… trở thành vật hiến tế cho những đòi hỏi quá quắt của Miranda Priestly. Họ cắn răng chấp nhận mọi áp lực, chỉ vì công việc của họ là ước mơ của hàng triệu cô gái khác, vì họ dường như cũng đổi đời theo Runway với áo cổ lọ Celine lụa đen, quần Theory có gấu lơ vê màu than chì, áo sơ mi trắng của Miu Miu với bốt lửng Christian Labourti khêu gợi… Ai mà biết được họ phải nhịn đói cả ngày, thậm chí chẳng dám phí phạm vài phút đi tiểu chỉ để chờ những mệnh lệnh đưa ra của bà chủ.
Quỷ cái vận đồ Prada gây dấu ấn bởi cái nhìn tinh tế song cũng rất trực diện của Lauren Weisberger. Phơi bày một cuộc ganh đua giữa giá trị thực và ảo trong xã hội New York, cây bút sinh năm 1977 - cũng trải qua thời gian làm trợ lý cho tổng biên tập một tờ tạp chí nổi tiếng - không ngại ngần ném cái nhìn châm biếm, hài hước vào những con rối xinh đẹp ấy. Chẳng riêng gì Andrea phải đau khổ vì người yêu không thể chấp nhận sự thay đổi của cô, chẳng phải riêng Emily bật khóc trước những yêu cầu quá quắt của bà chủ, ngay Miranda, nhân vật khiến bao người nghe tên phải giật mình ấy đâu có sống như một con người.
Câu chuyện, đồng thời cũng là một ngụ ngôn về tình yêu, tình bạn và những cám dỗ trong cuộc sống, về những trải nghiệm của tuổi trẻ để trả lời được câu hỏi: Ta thực sự muốn gì?
Với Quỷ cái vận đồ Prada, độc giả Việt Nam một lần nữa được tái ngộ cùng một dịch giả thú vị, người từng nắm bắt và chuyển tải thành công giọng điệu xóc nẩy trong Tình ơi là Tình, hài hước và thông thái trong Đo thế giới và cực kỳ sành điệu trong bản dịch mới nhất này, đó là Lê Quang, một cái tên mới, nhưng không còn lạ với độc giả luôn tìm kiếm những bản dịch độc đáo
Là tiểu thuyết đầu tay của một nữ phóng viên, óc quan sát của người làm báo giúp cho Lauren Wesberger mang tới một góc thời trang New York tỉ mỉ như phóng sự ăn khách dài kỳ. Dường như, nữ nhà văn trẻ đã tìm ra một công thức hấp dẫn khiến Quỷ cái vận đồ Prada trở thành hiện tượng rung động của ngành xuất bản thế giới, khi liên tục sáu tháng xuất hiện trong danh sách bán chạy nhất của The New York Times. Tác phẩm đã được bán bản quyền tới 31 quốc gia và bước lên phim ảnh với diễn xuất của Meryl Streep cùng Anne Hathaway.

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

Người đua diều

Không chỉ là một cuốn tiểu thuyết về chính trị Trung Đông… đó là câu chuyện cuộc đời của con người trong một đất nước tươi đẹp đã bị hủy hoại đến hoang tàn..
Câu chuyện nồng nhiệt của Hosseini về sự phản bội và chuộc tội, được bao quanh bởi bối cảnh quá khứ bi kịch mới đây của đất nước Trung Đông.
Sức hút đầu tiên của Người đua diều với bạn đọc quốc tế nằm ở chỗ có lẽ đây là cuốn sách hiếm hoi được viết bằng tiếng Anh đã mở cho thế giới một cánh cửa để bước vào một nền văn hóa đầy bản sắc riêng của đất nước Afghanistan. Nơi đó đã từng là mảnh đất của niềm hạnh phúc, song ngay trong sự êm đềm qua dòng ký ức cậu bé Amir, chúng ta vẫn thấy được những mâu thuẫn tiềm ẩn qua sự phân biệt, kỳ thị giai cấp trong xã hội. Và cuối cùng thì cái ác hay chính là một thảm họa ập đến với dân tộc này, biến xứ sở yên bình thành nơi tàn khốc, đẫm máu, đổ nát và hoang tàn…
Thêm một câu chuyện đầy riêng tư, bắt đầu từ tình bạn gần gũi của Amir với Hassan, con trai của người giúp việc cho cha cậu, từ đó mọi sự đã bắt đầu và kết nối với nhau để làm nên cuốn sách. Sự mong manh của tình bạn đó, biểu tượng nơi những con diều mà hai đứa trẻ cùng chơi, phải trải qua thử thách khi chúng nhìn thấy cuộc sống xưa cũ của mình đã trôi qua. Bức tranh của Hosseini về một Afghanistan trước cách mạng thật ấm áp, hài hước nhưng cũng vô cùng căng thẳng trong sự phân biệt địa vị giữa các tộc người…
Câu chuyện, dù được kể theo dòng hồi ức song chân dung các nhân vật lại được khắc họa thật rõ nét, sống động, giúp người đọc hình dung về cộng đồng người Afghanistan với tâm hồn cao thượng, nhân hậu và yêu chuộng sự ngay thẳng. Và cảnh đua diều được miêu tả như những áng văn tuyệt vời, mà qua đó tác giả khẳng định “người Afghanistan yêu quý phong tục nhưng ghê tởm các luật lệ”, - nó như sự đối nghịch với một Afghanistan thời hiện tại bị quằn quại, ứa máu bởi sự dày xéo khủng khiếp của cái ác-lòng tham-sự ích kỷ.. Qua câu chuyện tưởng như rất riêng tư, rất cá nhân song người đọc có thể hình dung ra được bối cảnh lịch sử rộng lớn của Afghanistan.
Không chỉ hấp dẫn bởi câu chuyện mang tính thời sự, hay dừng lại ở cuộc viễn du về lịch sử - văn hóa của Afghanistan, mà Người đua diều còn thấm đẫm tính nhân văn khi trở lại với motip của sự sám hối. Hành trình mà Armil trở lại Afghanistan để chuộc lại lỗi lầm mà anh đã gây ra từ thời thơ ấu đối với người bạn nhỏ của mình. Một hành động ích kỷ con trẻ nhưng đã trở thành một nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời của Amir như một món nợ dai dẳng để cuối cùng anh phải trở về để “làm sạch” quá khứ. Cuộc trở về đã phơi bày ra trước mắt người đọc những sự thật tàn khốc của dân tộc, của những số phận con người trên mảnh đất mà anh từng được sinh ra. Những bi kịch, nỗi đau được viết với một sự dồn nén tuyệt vời của ngòi bút, tạo nên những áng văn gây xúc động tới mức choáng váng.
Cuốn tiểu thuyết phi thường đã khắc họa cuộc tranh đấu của cá nhân con người trong những giai đoạn tàn khốc nhất của lịch sử.cuốn sách mãnh liệt bậc nhất này kể lại câu chuyện về những điều tàn bạo khủng khiếp và một tình yêu mãnh liệt chưa được đền đáp. những điều đó đã thay đổi cuộc đời cuộc đời amir, người kể chuyện trong tác phẩm của khalled hosseini - một cậu ấm quý tộc đã lớn lên trong những ngày tháng yên bình cuối cùng của nền quân chủ, trước khi cách mạng nổ ra và đất nước cậu bị người nga kiểm soát. nhưng những sự kiện chính trị ở đây, cho dù được miêu tả rất kịch tính, vẫn chỉ là một phần của câu chuyện. với người đua diều, khaled hosseini đã mang tới cho ta một câu chuyện sống động và cuốn hút, nhắc ta nhớ rằng dân tộc afghanistan đã phải tranh đấu rất lâu để chiến thắng những thế lực hung tàn - những thứ mà cho đến tận bây giờ vẫn còn tiếp tục đe dọa họ.
Chiến tranh thật dễ bắt đầu nhưng rất khó để kết thúc.

The Godfather

Gọi là hấp dẫn, bởi Bố già có những tình tiết gay cấn đến nghẹt thở, những giằng xé tâm lý kịch liệt. Một ông trùm Corleone bị ám hại tan xương nát thịt, tưởng như gần đất xa trời, đã phải đứng dậy ngay trong cơn nguy kịch, dàn xếp thế trận, chuyển bại thành thắng, làm kẻ thù khiếp vía bởi sức mạnh sinh tồn của mình. ông Trùm không sợ cái chết.Đơn giản, ngay từ năm 12 tuổi đã có kẻ muốn giết ông rồi.Một cậu ấm Micheal Corleone bị buộc phải “giết người” mà không có sự lựa chọn nào khác, buộc phải chứng kiến những người yêu thương nhất của mình, bị hãm hại ngay trước mắt mình, buộc phải bước chân vào “giới giang hồ” để bảo vệ những gì còn lại của gia đình mình.
Gọi là đời, bởi tác giả là nam giới mà lại diễn tả tâm lý phụ nữ như là thấu hiểu họ lắm. Tuy thế, các nhân vật nữ trong Bố già cũng mang một khí chất khác, “nữ nhi hào kiệt”, là người mẹ đau đớn tột cùng khi cảm nhận cái chết tàn khốc của đứa con trai mình, vẫn cắn răng chịu đựng để giữ được vị thế gia đình trước kẻ thù. Là một Kay, xinh đẹp, trí thức, đau đớn và dằn vặt khi nhìn thấy người đàn ông của mình từng ngày từng giờ, bước từng bước một vào cái thế giới đen ngầm dữ dội, thậm chí nghiễm nhiên ngồi đĩnh đạc vào cái ghế tối thượng trong vương quốc ấy.
Trong tiểu thuyết của Mario Puzo, “Bố Già” là Ông trùm Don Vito Corleone, người gốc Sicily, một trong những thủ lĩnh tối cao của giới Mafia Mỹ. Kẻ thù căm ghét ông, khiếp sợ ông, khinh bỉ ông; ông như con rắn hổ mang nguy hiểm có đôi mắt chứa đựng một uy lực tối thượng nhìn thấy hết, biết hết, làm được hết. Nhưng đối với bạn bè, thân quyến, “Bố Già” gần như là một đấng toàn năng có thể cứu họ thoát khỏi những thế kẹt và nỗi oan ức mà ngay cả luật pháp cũng chẳng gỡ được. Ông đúng là “Mafia” theo cái nghĩa nguyên thủy của nó thuở ban đầu hình thành, nơi ẩn náu.
Sự toàn năng tối thượng của “Bố Già” một phần do cái dũng trí khác thường của ông đem lại, phần khác là do những đồng đô-la trong tài sản đồ sộ của ông tạo ra.
Ông Trùm là một biểu hiện về sức mạnh của lớp người cần lao không lối thoát, khát khao quyền lực được cai trị, được phục thù, cầu mong sự no ấm đến giàu sang phú quý mà thượng đế có thể ban cho con người. Tiếc thay,những việc này nhà cầm quyền hiện hữu không thể ban phát cho họ nên họ buộc phải tự làm lấy cho bản thân. Một cuộc sống phức tạp.Cái họ cần là danh tiếng,quyền lực,sự sinh tồn trong cái xã hội khốn nạn này và những đồng dollar được tạo ra từ bất cứ việc gì, miễn đó không phải là kết quả của ma túy và đĩ điếm.
Dù là những con người bị xem là độc ác, cặn bã của xã hội nhưng điều là bậc làm cha làm mẹ, Don Corleone không hề muốn con cháu sau này của ông sẽ tồn tại trong một thế giới thứ hai,dù rằng đế chế của Corleone đã có một thời cực kỳ hưng thịnh. Ông luôn mong muốn con cháu sau này sẽ bước vào một thế giới khác, an toàn, sạch sẽ và luôn phơi bày dưới ánh sáng.Ông không muốn chúng nó lại phải chui rúc vào những khu phố ổ chuột, phải ra tay hạ sát một người nào đó khi mà họ làm tổn thương và cản trợ cuộc sống của chúng, ông không muốn chúng phải tha phương cầu thực đến một vùng đất xa lạ nào đó chỉ vì ba mẹ chúng đã bị chết dưới tay những kẻ thù mà ta hay gọi là Mafia, ông không hề mong lũ con của mình phải vướng vào cái thế giới đen tối mà chỉ riêng của những thành phần phức tạp. Ông muốn nhìn thấy con cháu của mình hòa đồng vào cái gia đình chung của nhân lọai mà ông không hề có. Điều đó nói lên rằng : Don Vito hay Mario Puzo muốn đúc kết một định luật chung như hết thảy sông hồ đều phải xuôi về biển cả.Nhưng không…dù ông có là ông Trùm quyền uy cả một phần ba thế giới thì ông cũng không thể giành giựt mạng sống người bạn thân từ tấm bé của mình lại từ tay tử thần, ông cũng không thể biết được rằng mọi thứ sẽ đổ bể dù ông có cô công sắp xếp chúng đến đâu đi chăng nữa, bởi vì thế giới này nào có yên bình mãi cho ta hưởng lạc !…
Gọi là kinh điển, bởi vì tác phẩm quá hay,quá thật, dù lần đầu tiên tôi đọc cuốn sách này là vào năm 14 tuổi.Tôi thấy bối cảnh mình sống vào những năm 2000 nhưng những việc như thế này vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Bởi thời nào cũng vậy, đằng sau một nhân vật lớn luôn là một nhân vật lớn hơn, đằng sau một mảng tối, còn có một mảng tối khác, đằng sau một tội ác, rốt cuộc vẫn là con người. Tôi luôn thích những tác phẩm mà con người luôn ở vị trí trung tâm, những tác phẩm mà người viết chia sẻ những trải nghiệm sống đau đớn, vui buồn và giằng xé của họ. Bố Già cũng chính là một tác phẩm đầy kinh nghiệm sống như thế.
Với tôi cậu út Michael Corleone là một hình ảnh thật sự ấn tượng dù anh xuất hiện không nhiều lắm trong tác phẩm, sự xuất hiện của Michael luôn tiềm ẩn một điềm chết chóc thậm chí còn nguy hiểm hơn Bố Già. Không nóng nảy ; hấp tấp như ông anh cả Santino (Sonny), cũng không hiền lành đến mức bạc nhược như người anh kế Fredo , cậu út Michael dù bề ngoài trầm tĩnh nhưng bên trong ẩn chứa những suy nghĩ khôn ngoan và những kế họach không lường trước được, một đức tính giống hệt ông Trùm.Một quyển sách chứa đựng nhiều thông tin và những giả định mà người đọc không thể bỏ qua. Sự lịch thiệp cần phải có, những giằng xé nội tâm, những mất mát, tang thương và tàn nhẫn trong một trật tự xã hội mà “Luật im lặng” là điều tối thượng. Một tác phẩm kinh điển, đọc và cảm ơn Mario Puzo. Bố Già vẫn sẽ tiếp tục chịu sự thử thách của thời gian. Nhưng tôi tin rằng, dù sau này có thế nào đi chăng nữa, tác phẩm lừng danh này vẫn mãi là cuốn tiểu thuyết mafia hay nhất mà tôi từng được biết.
Cuộc sống khổ đau đã đúc nên cái cá tính lạnh lùng cần có trong xã hội này, dù thời nào cũng thế.Hãy nhìn lại quá khứ bi thương của đồng loại để hiểu rằng : Để tồn tại được trong cái thế giới hỗn lọan này là cả một vấn đề…

Earth Hour - Giờ Trái Đất

Hôm nay là 28/03/2009, ngày thứ bảy cuối cùng trong tháng Ba hằng năm diễn ra “Giờ Trái Đất”.Tôi biết sự kiện này do WWF khởi xướng đầu tiên tại Sydney (Úc) vào năm 2007 tổ chức,nhưng năm nay có nhiều quốc gia hưởng ứng hơn, trong đó có Việt Nam.Tôi cũng thấy việc làm tắt hết đèn điện trong vòng 1 tiếng đồng hồ là có ích, tuy rằng…hơi ít.Nói tóm lại,tôi ủng hộ Earth Hour.
Tối nay tôi tắt tất cả điện đóm trong phóng riêng của mình, mình thích tự nguyện hơn là việc cắt điện vô cớ- vô tội vạ của EVN như thường lệ.
Tôi rất ủng hộ phong trào tiết kiệm năng lượng, trở về thiên nhiên. Nhưng ở một nuớc thường xuyên bị cúp điện như nước ta , việc phát động giờ Trái Đất phải chăng chỉ là hình thức. Chiến dịch giờ Trái Đất được WWF phát động trên toàn cầu kêu gọi người dân, doanh nghiệp và các thành phố tắt điện một tiếng vào buổi tối thứ 7 cuối cùng của tháng 3 để nhằm thể hiện cam kết của mình vào giải quyết các vấn đề toàn cầu, cụ thể ở đây là vấn đề biến đổi khí hậu chứ không mang ý nghĩa tiết kiệm điện một cách thông thường. Việc bạn chủ động tắt điện trong một giờ bao hàm một ý nghĩa lớn hơn nhiều, thể hiện sự cam kết với mọi người dân trên toàn thế giới để cùng hành động. Đầu tiên tôi muốn nói cũng là "cúp điện" nhưng mà ý nghĩa khác hẳn nhau. Việc cúp điện xảy ra thường xuyên do cầu vượt cung là vấn đề nóng trong nhu cầu phát triển đất nước, nhưng việc tự mình "cúp điện" trong chiến dịch giờ Trái Đất, ngoài ý nghĩa tiết kiệm năng lượng ra nó còn tạo cho người dân một ý thức sử dụng năng lượng hiện có một cách hợp lý nhất. Và điều này tôi tin rằng sẽ góp phần rất lớn vào việc sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng có hạn hiện nay của VN.
Đầu tiên tôi muốn nói cũng là "cúp điện" nhưng mà ý nghĩa khác hẳn nhau. Việc cúp điện xảy ra thường xuyên do cầu vượt cung là vấn đề nóng trong nhu cầu phát triển đất nước, nhưng việc tự mình "cúp điện" trong chiến dịch giờ Trái Đất, ngoài ý nghĩa tiết kiệm năng lượng ra nó còn tạo cho người dân một ý thức sử dụng năng lượng hiện có một cách hợp lý nhất. Và điều này tôi tin rằng sẽ góp phần rất lớn vào việc sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng có hạn hiện nay của VN.
Lần đầu tiên nghe về, giờ Trái Đất tôi cứ nghĩ đến lúc đó cả nhà tôi sẽ bị cúp điện. Nhưng khi tìm hiểu kỹ lưỡng thì tôi mới biết đó là việc tự nguyện chứ không phải ép buộc .
Tuy nhiên, tôi cũng gặp phải một số người phản ứng rằng tắt điện có 1 giờ một năm thì có lợi gì, tiết kiệm được bao nhiêu! Thậm chí có người bảo “không quan tâm”.
Mặc dù giờ Trái Đất là tự nguyện, ai thích thì làm, không thích thì thôi nhưng tại sao mọi người không quan tâm đến tương lai chung? Nếu không có sự hưởng ứng của nhiều người trên thế giới thì làm sao giờ Trái Đất có thể lan đến 83 nước từ Úc? Nếu mọi người bảo chỉ có một giờ làm sao mà có ích thì sao không biến nó thành nhiều giờ? Từ hưởng ứng lần đầu tiên đến tự giác cho mỗi tuần, mỗi ngày? Chúng ta phải sống và hành động vì chúng ta chứ đâu thể thờ ơ như thế được.
Chỉ cần tiết kiệm được 1% lượng điện thương phẩm thì chúng ta có thể tiết kiệm được khoảng 680 triệu kWh/năm. Trong khí đó, để có được 1kW công suất của nhà máy điện, Nhà nước phải bỏ ra 1.000 USD để đầu tư. Ở Việt Nam, để sản xuất ra 1 kWh điện sẽ phát thải vào môi trường 0,43kg CO2. Chi phí đầu tư sản xuất 1 MW điện từ thủy điện lớn (trên 50 MW) là 1 triệu USD.
Đất nước nào cũng chỉ có một bộ máy Chính phủ trong khi dân số ngày càng gia tăng.Người dân chúng ta chỉ biết đòi hỏi hết thứ này đến thứ khác nhưng không biết thông cảm và tiết kiệm- bảo vệ tài nguyên – năng lượng thì thử hỏi Chính phủ nào chịu cho nổi ?
lưới điện
Nóng lên toàn cầu là một thách thức lớn đối với mọi người trên thế giới. Trước đây 30 năm người ta nghĩ đó là hiện tượng tự nhiên. Song nay các nhà khoa học xác định rõ: do hành động của con người. Hiệu ứng nhà kính tăng nhanh vài chục năm qua, nhiệt độ Trái đất nóng lên gây thiên tai trên toàn thế giới nhưng ở đâu nước nghèo, người nghèo cũng chịu thiệt hại nhất. Mọi người phải góp phần giảm bớt hiệu ứng nhà kính bằng cách tiết kiệm điện. Bởi vì khi sản xuất điện, con người đốt quá nhiều nhiên liệu: dầu, khí, than đá và những năng lượng khác. Thật ra tiết kiệm không chỉ trong một giờ mà một Giờ Trái Đất là khởi động. Sau đó, mọi người, mọi lúc, mọi nơi cần thực hiện tiết kiệm năng lượng mới giảm được biến đổi khí hậu”.
Chuyện này đâu quá khó! Không chỉ là 1 tiếng đồng hồ tắt điện theo chương trình Earth Hour, chúng ta hòan toàn có thể biến miỗi ngày đều có Giờ Trái Đất cho riêng mình, vì ích lợi của ban3 thân mình.Tiết kiệm điện có khó lắm đâu nào ! Tắt màn hình hoặc để screensaver khi không hoặc tạm thời không sử dụng nữa.Rút hết các phích cắm tv,đầu đĩa,quạt khi ra khỏi phòng.Hạn chế mở máy lạnh trừ phi quá nóng nực..Có khó lắm không ?
Riêng nước ta, hiện tượng lãng phí điện, xài điện "chùa" hình như là chuyện bình thường nơi công sở và nơi công cộng hay thậm chí là nhà riêng cũng vậy. Trời lạnh vẫn mở máy lạnh, trời chưa tối đường sá đã sáng đèn, trời đã sáng nhưng đèn đường vẫn chưa tắt, ... là sao nhỉ? Là tại vì chúng ta chi biết sử dụng nhưng không hiểu được ý nghĩa “tiết kiệm”. Là khi chúng ta than vãn về hiện tượng nắng nóng quanh năm nhưng không biết cách hạn chế hậu quả của việc phá hoại môi trường, thế thôi.Vậy thì nếu như thiếu điện, bị cắt điện luân phiên hay thế này thế nọ thì ngoài việc quy trách nhiệm cho EVN và PVN thì cũng nên xem xét lại chúng ta đã và đang làm gì cho mảnh đất mà mình đang sinh sống.
Khi làm bất cứ việc gì thì chúng ta cũng nên tự hỏi bản thân mình trước : Làm như vậy rồi chúng ta sẽ ra sao !

Em ở đâu ? - Marc Levy

Trong tất cả những tác phẩm của nhà văn người Pháp gốc Do Thái Marc Levy, tôi chỉ thích duy nhất một tác phẩm" Em ở đâu ?", kể cả "Nếu em không phải một giấc mơ "tôi cũng không thích mấy.
Cuốn tiểu thuyết mở đầu bằng một trận bão và kết thúc cùng bằng một trận bão, nhưng ở mắt bão lại là những mối tình.
"Em ở đâu?" - Câu hỏi ấy đã khiến Marc Levy đột ngột trở nên dũng cảm: không có gì đứng yên trong cơn bão, không có mối tình nào cứ mãi trôi lặng lẽ trong đời.Sẽ có điểm kết thúc...
Một cô gái tìm thấy chỗ dựa tinh thần của mình trong cơn bão táp của số phận. Cũng chính cô đã sẵn sàng ra đi, từ bỏ cuộc sống bình yên để đi về vùng đất bão.
Một chàng trai sẵn sàng chờ đợi hai năm để gặp người mình yêu trong hai tiếng đồng hồ, nhưng phải mất cả cuộc đời để hiểu thấu căn nguyên sức mạnh trong đôi mắt và đôi bàn tay mà vô số lần anh đặt môi lên đó.
Marc Levy đã cho nhân vật của mình thực hiện một cuộc hành trình ngược lại hoàn toàn với "Kiếp sau", "Nếu em không phải một giấc mơ"...
Thay vì vượt qua tất cả sự giãn cách của không gian và thời gian để đến với nhau, ông đã cho những Romeo và Juliet chủ động tách khỏi nhau, vượt khỏi sự gần gũi thường ngày để tìm thấy mình từ trong bản thể. Lửa đã bùng lên từ những cơn gió nhớ thương xa cách, nhưng lửa cũng đã từng lụi tắt từ những khoảng trống tâm hồn không sao khoả lấp. Và đi tìm cuộc sống mới...
Những chuyến bay mang cô gái của Philip đi xa, những trận bão khiến cô gái của anh mất dấu, cuộc sống ồn ào nơi trung tâm thế giới đã bào mòn sự kiên nhẫn của anh, ngăn kéo đựng thư đã lâu ngày anh không động tới, duy chỉ có chiếc bàn trống dành riêng cho hai người qua bao cơn bão của cuộc đời thì vẫn đứng yên ở đó. Nó là cột mốc duy nhất vạch một đường mạch lạc để khẳng định họ đã từng tồn tại ở đây, ngày hôm qua.
Marc Levy không tranh luận, không bình luận, không biện giải, ông vẫn giữ được vẻ điềm tĩnh ấy, cái điềm tĩnh của một người hiểu rằng mọi thứ trên đời đều có thể xảy ra và mọi sự tồn tại đều có những lý do riêng của chúng.
Ngay cả khi tưởng như chúng ta đã hiểu thấu một con người thì mọi tính cách, tâm lý có thể chuội đi trong chốc lát, để ta dần đánh mất những người thân thuộc quanh ta.
Thế rồi Philip quyết định đến với Mary.Không thể chê trách ai được, trong tình cảm khó mà phân biệt đúng hay sai. Có thể thứ tình cảm Philip dành cho Mary không hẳn là thứ tình yêu mãnh liệt đầy đam mê, nhưng ít ra thì nó không làm cho con người ta đau đớn.Nó không bóp nát con tim anh. Con tim anh không bị đè nặngsuốt cả ngày vì sự vắng mặt của cô ấy, anh không phải ngóng trông từng phút giây của năm tháng cứ trôi qua và tự hỏi về sự tồn tại của cô ấy.Khi ngủ với cô ấy,anh yên tâm rằng sáng mai khi giật mình tỉnh giấc anh sẽ thấy cô ấy vẫn ở bên anh.Anh không phải cứ mãi chờ đợi một điều gì quá mơ hồ, anh sống cho hiện tại. Có thể cái gắn kết giữa hai người chưa phải là là một tình yêu cháy bỏng như anh và Susan, nhưng đó là một mối quan hệ làm anh rất đỗi yên tâm, anh sống bằng những điều chắc chắn do hai người cùng cố gắng xây đắp.
"Em ở đâu?" - Câu hỏi đó không chỉ dành riêng cho Susan, cô gái đã dành cả cuộc đời mình cho vùng đất Trung Mỹ luôn có nguy cơ bị xoá sổ trong cơn bão. Câu hỏi đó còn dành cho Mary - người tưởng như đã yên ổn trong ngôi nhà của mình, gia đình của mình, tình yêu của mình.Mary không phải là người chen ngang vào cuộc tình xa cách của Philip và Susan.Ta nên nhớ rằng : Cái ngày Mary đến bên Phillip thì anh ta chỉ có một mình thôi.
Sự xuất hiện của Lisa - “một đứa trẻ từ trên trời rơi xuống” là một cơn bão lòng thực sự với cô. Nó là “thiên thần của xứ sở có nhiều mưa” đến dạy cô biết làm thế nào để “giữ được những cơn mưa trong đôi mắt”. Chỉ khi ấy cô mới nhận ra mình ở đâu trong trái tim của Philip.
"Em ở đâu?" không đơn thuần là một câu chuyện tình yêu, nó là câu chuyện của khát vọng được sống là mình dẫu cho cuộc đời vốn chứa đựng nhiều nghịch lý. Những trang sách lật giở trên tay người đọc, những con chữ bình thản hiện ra, chỉ có những suy tư, cảm xúc là không ngừng lay trở.
Ai mà không muốn tuổi thơ của mình được vẽ nên những sắc màu đa dạng và rạng rỡ, tuy nhiên trên đời vẫn mãi tồn tại những luật lệ riêng chỉ có màu đen và trắng.
Vậy là Marc Levy mải mê với câu hỏi "Em ở đâu?", và đã đi, đi một cách nhiệt tâm dù không chắc có thể tìm ra điểm bình yên trong mắt bão cuộc đời.Mỗi người đều có một cơn bão lòng, có chăng là không biết nên đối diện hay trốn tránh nó...Ổ lại dù chỉ một chút thôi hay là chấp nhận ra đi mãi mãi...Và có người phải đưa mu bàn tay để xóa đi nét buồn trên mắt...

Rừng lá thấp


Rừng là xanh xanh cây phủ đường đi,
thành phố sau lưng ôm mộng ước gì.
Tôi là người vui chinh chiến dài lâu
Nên mộng ước đầu tôi nghe đã chìm sâu...
Từ máy thu thanh cô nàng vừa ca :
" Trọn kiếp yêu anh lính khổ xa nhà..."
Giữa rừng già nghe tiếng hát thật cao...
Nhưng giữa rừng già tôi có thấy gì đâu...
Sao không hát cho người giết giặc trên cầu,
khi bùn lầy còn pha sắc ao xanh.
Trong khói súng xây thành, mắt quầng thâm mất ngủ,
tàn đêm khói lửa giờ chỉ còn hai tiếng "mến anh"...
Sao không hát cho những người còn mải mê
Lá rừng che kín đường về phồn hoa.
Không hát cho những bà mẹ từng đêm nhớ con xa,
hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua...
Rừng lá xanh xanh lối mòn chạy quanh,
đời lình quen yêu gian khổ quân hành..
Nghe từ ngày thơ tiếng súng triền miên,
đánh giặc lâu bền cho đất nước bình yên.
Lời hát xin gây rung động thật lâu,
đừng hát như chim trên vùng là sầu.
Xin thật lòng trong câu hát đầu môi,
như lính giữa rừng yêu lá thấp mà thôi....


Có người mất chồng, mất cha, mất con, mất anh chị em,...dù chiến tranh hay hòa
bình thì chia ly vẫn là vĩnh viễn. Chiến tranh đã qua đi, bầu trời trên đất nước tôi không còn
tiếng bom đạn triền miên, nhưng sao cơn bão trong cuộc đời nhiều người mãi vẫn không
chịu bình yên...?



Tôi nhớ người quá, người ơi...!

Thứ Hai, 4 tháng 5, 2009

Loay hoay chọn "nhà" mới

Cả tuần nay mình ngồi mò mẫm, lùng sục khắp Google xem những blog nào uy tín và tốt nhất để thay thế cho blog Yahoo 360 sắp dẹp đến nơi rồi, không lẽ đợi cho nó đóng cửa vĩnh viễn rồi thì sao mà có blog khác thay thế kịp. Làm blog cũng hay, miễn là mình biết kiểm soát bản thân và những thông tin của mình đưa ra trên mạng là ok. Làm blog không tốn kém cho hết, cũng vui vui và.. lành mạnnh, kakaka.Từ đó tới giờ mình chỉ nghe người ta nói cai nghiện game online chứ chưa nghe ai bảo đi cai nghiện blog cả, hí hí hí.
Mà oải thật. Mình vào Twitter thấy không cảm tình lắm dù rằng đây là một trong những blog- mạng xã hội ảo lớn nhất và được cư dân mạng tin dùng nhất trên thế giới, nhưng tóm lại là mình không thích cho lắm. Sang Facebook thấy cũng tạm, ấy là theo cảm nghĩ của riêng mình thôi. Những người xài Yahoo 360 lâu nay phần lớn đều chạy sang Facebook hết rồi. Đăng ký account xong mình lại không biết làm gì với nó nữa. Xong, lần này mình lò dò sang Blogger.com.Wow, tuyệt. Mình thích giao diện của dịch vụ này.Mọi thứ rất tốt.Load nhanh và gọn gàng, sáng sủa. Chỉ tiếc, rất rất tiếc là Blogger không có phần quick comment giống Y!360 và không thể tự thay theme do riêng mình design được. Có lẽ người dùng chỉ được sử dụng những mẫu mặc định của Blogger thôi. Nhưng thật kỳ lạ, mình vào những trang web khác tham khảo thì thấy có một số người dùng tự làm theme cho blog mình được mà, nhưng chắc là khá rắc rối vì phải động não với mớ code náy code nọ nữa. Haizzz, cái này thì khó nhằng đây. Mình đâu có giỏi vi tính.
Thấy một người bạn bên 360 rỉ tai bảo thử xem Multiply thế nào. Uh thì đã đi 1 vòng tham quan rồi thì sẵn ghé sang mạng xã hội này coi trắng đen ra sao. Cũng tốt, có quick comment, cái này mình khoái nè. Tự làm theme cũng được, nhưng giống như Blogger thôi : Khó ! Ối giời ạ ! Đúng là được cái này thì mất cái kia, bù cái kia thì khuyết cái nọ !
Mình thích Blogger nhất, nhưng người VN ít dùng dịch vụ này lắm, vả lại tuy đơn giản, dễ hiểu nhưng không có quick cm - điều ưa thích của mình và là sợi dây móc nối những mối quan hệ vòng tròn trên internet không bị "mất tích" !
Ôi, tìm chỗ tái định cư trên mạng hơi bị khó !

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2009

Tâm sự 5 phút khi đổi blog


Vậy là mình phải đổi blog. Nói thật, đi vòng vòng cả chục cái blog của cả chục cái mạng xã hội ảo khác trong lẫn ngoài nước, mình cảm thấy Yahoo 360 là blog dễ sử dụng nhất. Chỉ cần một cú click chuột vào "Edit theme",thêm vào cú chỉnh chỉnh sửa sửa là có ngay theme khác dành cho blog do mình tự làm và thay đổi code màu chữ thoải mái. Quick comment của Y!360 cho mọi người liên lạc với nhau bất cứ lúc nào cực kỳ phè phỡn ( trừ phi nó hư post mà cm ko hiện ra thì chịu !).Ấy là bên ngoài blog, còn cái phần blog bên trong post entry chính thì quả thật 360 bây giờ không còn như xưa nữa rồi. Post 1 bài viết lên blog trầy cả vi tróc cả vảy. Blogger.com cứ tha hồ gõ lọc cọc trong phần "Đăng bài mới" rồi click "Post" là có ngay bài viết nóng hổi vừa thổi vừa coi, không cần phải ra Word viết rồi copy / paste cả nửa tiếng mới lên blog được.

Nói chung cái gì Blogger của Google cũng hơn 360 hết rồi, nhưng cái mình hơi thất vọng là phần theme ấy. 360 dễ dàng chừng nào thì Blogger và một vài dịch vụ blog khác bất lợi về khỏan này chừng ấy. Nào là phải vào "Edit HTML" rồi thêm cái nào, bỏ code kia, lằng nhằng quá.Mình chịu , không hiểu nổi, mà có hiểu thì thấy cũng oải rồi. Mình đi tham khảo các trang blog của mấy chú mấy cô nước ngoài thấy họ tự design cho mình nguyên cái theme nhìn hòanh tráng kinh khủng, trông đẹp rạng ngời mà không chói lóa, họ chỉ cho mình cách làm, mình làm mãi vẫn không được, chắc tại bẩm sinh ông trời cho vốn liếng IQ có nhiêu đó thôi :(.Nhưng thôi, cái gì cũng vậy, phải có thời gian "thích nghi " và chịu khó "nắm bắt" lấy những cái tiến bộ của thiên hạ chứ, mà thường thường tiến bộ đồng nghĩa đi cùng với phức tạp, đó là dành cho mình - một đứa cần có nhiều thời gian thích nghi hơn người khác.